Câu mực xa bờ Núi Thành, tiềm năng và thách thức

06:12 03/12/2007
Núi Thành là huyện có nghề câu mực xa bờ phát triển mạnh nhất tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, toàn huyện có 78 chiếc tàu, chiếm trên 90% số tàu câu mực của tỉnh, với tổng công suất là 14.438 cv, giải quyết việc làm cho khoảng trên 2.000 lao động. Tàu thuyền làm nghề này chủ yếu ở xã Tam Giang, có đến 56 chiếc. Số còn lại ở các xã Tam Hải, Tam Quang. Hằng năm, đội tàu câu mực của Núi Thành khai thác được khoảng 12.000 tấn mực tươi. Chỉ có khoảng dưới 10% số mực tươi này bán cho các tàu câu cá ngừ đại dương và tàu thu mua của công ty Quanashin. Số còn lại được ngư dân xẻ phơi khô ngay trên tàu được khoảng 2.700 tấn mực khô và đem về bán cho các thương lái đem tiêu thụ sang Trung Quốc.
Nghề câu mực đã từng bước trở thành nghề khai thác hải sản chủ lực trong cơ cấu nghề khai thác hải sản của huyện, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu nghề khai thác theo hướng vươn ra đánh bắt xa bờ, giảm bớt áp lực khai thác ven bờ và trên sông đầm. Nghề này cũng đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và tạo cơ hội cho nhiều hộ vươn lên làm giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ven biển. Nhiều lao động đi câu mực đã trở thành những ông chủ tàu có tài sản trị giá gần tỉ đồng, hầu hết đều xây dựng nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Nghề câu mực khơi du nhập vào Núi Thành vào những năm đầu thập niên 90. Lúc đó phương tiện đánh bắt còn nhỏ, công suất máy tàu từ 33-66 cv, sức chở khoảng 8-12 thúng. Thời gian chuyến biển ngắn khoảng 10-15 ngày. Sản lượng đánh bắt, hiệu quả sản xuất còn thấp. Trong thời gian qua, ngư dân đã không ngừng nâng cấp tàu máy, cải tiến ngư cụ, sắm các thiết bị hiện đại.

Hiện nay, đội tàu câu mực khơi là đội tàu có công suất lớn nhất của huyện Núi Thành nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Có đến 50 tàu có công suất từ 150 cv đến 420 cv. Tàu có công suất nhỏ nhất là 60 cv chỉ còn có 3 chiếc. Kết cấu tàu câu mực trông khá gồ ghề, khác với các tàu cá khác, phía trên mặt boong được lắp ráp một giàn phơi mực gồm 2 tầng. Diện tích giàn phơi lớn hơn hai lần diện tích boong tàu. Hệ thống giàn phơi gồm có hai phần, phần cố định và phần có thể xếp lại được. Tùy theo, kích thước tàu mà giàn phơi có chiều dài khoảng 20-26 m, chiều rộng khoảng 10-12 m, chiều cao khoảng 4-5 m. Diện tích giàn phơi tầng trên nhỏ hơn tầng dưới. Vì vậy, khi gặp bão các tàu thường phải chặt bỏ bớt một phần giàn phơi để tránh gây nguy hiểm cho tàu. Trên boong tàu còn chở khoảng 16-28 thúng câu. Mỗi thúng có đường kính khoảng 2,5-3m, cao 1m. Ngư trường khai thác của nghề câu mực khơi cách bờ trên 150 hải lý, ở độ sâu khoảng 800-1.000m nước. Thời vụ hoạt động của nghề này từ đầu tháng chạp đến giữa tháng 8 âm lịch. Mỗi chuyến biển bây giờ kéo dài khoảng 55-65 ngày. Công việc câu mực được tiến hành vào ban đêm, mỗi người một thúng trải dài khoảng 6-7 hải lý, nên thường xuyên gặp rủi ro khi sóng to, gió lớn bất ngờ hoặc bị tàu hàng tông phải, có khi bị thiệt hại đến tính mạng. Qua thực tế nhiều năm đi câu mực, người lao động cũng hiểu biết hơn về đặc tính, nơi sinh sống nên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, từng bước cải tiến ngư cụ, phương pháp đánh bắt để có thu nhập cao. Họ biết mực thường sống ở các vùng biển có độ sâu từ 1.000-1.500m, và dễ bị hấp dẫn bởi ánh sáng lạ trong đêm nên đã thay thế đèn gió bằng đèn pin Trung quốc rồi dùng bình accquy thắp sáng bóng đèn điện bọc nhựa có nhiều màu bên ngoài đưa xuống nước để thu hút mực tập trung lại. Các tàu đều được trang bị máy thông tin tầm xa (ICOM), máy thông tin tầm gần trên các thúng câu để liên lạc với nhau và liên lạc với đất liền. Nhờ có hệ thống máy thông tin hiện đại mà công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển được thuận lợi hơn, góp phần giảm bớt những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Năm 2007, nghề câu mực của Núi Thành được mùa, được giá. Sau một mùa biển, mỗi tàu trung bình đánh bắt được 40 tấn mực khô, doanh thu đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi chủ tàu thu vào 250-300 triệu đồng, mỗi lao động kiếm được 25-30 triệu đồng. Riêng tàu của các ông Phạm Hùng ở thôn Đông Mỹ, Lương Văn Viên, Lương Văn Cam ở thôn Đông An xã Tam Giang khai thác được sản lượng rất cao từ 70-77 tấn mực khô, doanh thu đạt 2,3-2,6 tỷ đồng trên tàu, tiền của thu được 500-600 triệu đồng, mỗi lao động kiếm được từ 40 đến 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, nghề câu mực xa bờ vẫn được coi là nghề nguy hiểm nhất so với các nghề khai thác hoạt động trên biển. Trong những năm qua, nghề này năm nào cũng có tàu bị chìm, bị hư hỏng, người bị chết, mất tích… Đặc biệt trong cơn bão Chanchu năm 2006, nghề này đã bị tổn thất nặng nề, hàng chục tàu thuyền bị chìm, hàng trăm ngư dân ở các tỉnh ven biển miền Trung bị chết, mất tích… Núi Thành có tàu anh Đỗ Văn Sơn ở Tam Giang đã bị mất tích mang theo 21 lao động. Đầu năm 2007, tàu ông Đỗ Văn Trầm ở thôn Đông An, Tam Giang đã bị sóng to gió lớn làm chìm tàu, hư hỏng nặng; một số ngư dân hành nghề câu mực bị chết mất xác như các trường hợp ông Phạm Tiến Ngữ, thôn Hòa An xã Tam Giang bị tàu hàng tông; ông Phạm Tô, Đông Tuần, ông Huỳnh Văn Viên, Bình Trung, Tam Hải bị sóng to, gió lớn làm lật thúng,… Ngoài ra ngư dân hành nghề câu mực rất lo sợ bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt nặng như trường hợp tàu ông Lương Văn Sơn ở khối 2, thị trấn Núi Thành bị tàu kiểm ngư Trung Quốc bắt giữ và xử phạt 150 triệu đồng hoặc bị tàu lạ trang bị vũ khí tấn công, trấn áp, đánh người cướp mực, cướp máy định vị, thông tin liên lạc… như trường hợp tàu ông Nguyễn Văn Thịnh ở Tam Giang,…

Vốn đầu tư cho nghề câu mực cũng khá lớn, để đóng mới một tàu câu mực có sức chở 28 thúng câu phải mất gần 1 tỷ đồng. Riêng chi phí cho mỗi chuyến ra khơi khoảng từ 120-150 triệu đồng. Hiện nay, đội tàu câu mực khơi vẫn còn một số phương tiện cũ đã xuống cấp hoặc máy công suất quá nhỏ không thể vươn khơi, nhưng chủ tàu thiếu vốn đầu tư nâng cấp, nên việc đưa tàu ra khơi gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động buộc phải đậu tàu ở bến hoặc nếu ra khơi thì độ an tòan không cao dễ xảy ra sự cố.

Để giúp cho ngư dân hành nghề câu mực giảm bớt những tai nạn đáng tiếc xảy ra, trong thời gian qua huyện đã tổ chức mở nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản về bão, các quy định về trang thiết bị an toàn tàu cá, cách ứng phó khi gặp bão, kiến thức sử dụng tần số máy thông tin liên lạc phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển; kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người bị nạn, … Hỗ trợ 50 % học phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân; đã và đang tiếp tục vận động các chủ tàu câu mực tham gia thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm tập hợp các tàu lại với nhau để họ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, phòng tránh bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển… Viện nghiên cứu hải sản Hải phòng đang phối hợp với phòng Kinh tế huyện nghiên cứu cải tiến giàn phơi mực theo hướng gọn, nhẹ, dễ lắp ráp, tháo dỡ nhằm tăng tính ổn định cho tàu hạn chế những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Trong thời gian đến, để nghề câu mực xa bờ Núi Thành tiếp tục phát triển các cấp, các ngành cần quan tâm có chính sách ưu đãi đầu tư vốn cho việc nâng cấp tàu máy, sắm đầy đủ các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc vươn ra khai thác xa bờ, hỗ trợ một phần học phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, kinh phí tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực đối phó với bão lốc cho ngư dân và tiếp tục cuộc vận động thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Về khoa học công nghệ, cần phải nghiên cứu các phương pháp chế biến phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

(Nguyễn Đình Sơn_BBT)
http://www.nuithanh.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=777&Itemid=205

This entry was posted in Uncategorized and tagged . Bookmark the permalink.

Leave a comment